Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đặt ra đến năm 2030 khá cao, trung bình 7%/năm, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các động lực tăng trưởng cũ thì gần như không thể đạt được, như vậy chỉ còn phụ thuộc vào các động lực tăng trưởng mới…

Trong đó đặc biệt là chuyển đổi số được xác định là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”).

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn chia sẻ với Tạp chí kinh tế Việt nam/VnEconomy rằng nếu nhìn từ góc độ cơ chế chính sách để bắt nhịp những xu hướng mới thì Việt Nam làm khá tốt, tiêu biểu như đã có cả nghị quyết để tận dụng và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), đến các chủ trương chính sách liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh mà trong Văn kiện Đại hội XIII đã đề cập. Để cụ thể hóa, Chính phủ đưa ra chương trình chuyển đổi số quốc gia (năm 2020), chiến lược Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số (năm 2021), chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số (năm 2022)…

NHỮNG ĐIỂM SÁNG CỦA ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Sau khi “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 6/2020), đến nay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao.

Chuyển đổi số là chìa khóa rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Theo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; hơn 50 nền tảng số được phát triển và công bố tại địa chỉ makeinvietnam.mic.gov.vn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%.

Công cuộc chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”.

Năm 2022, một số chỉ tiêu chuyển đổi số đạt và vượt mức kế hoạch đề ra như: tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt trên 50%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30,07%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 85%.

Theo báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia. Chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 quốc gia. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức cao hơn trung bình của thế giới và khu vực châu Á, Đông Nam Á.

Kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP.

Chuyển đổi số là chìa khóa rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Nhìn một cách tổng thể, theo ông Tuấn, việc bắt nhịp với Công nghiệp 4.0 và triển khai công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam khá nhanh, tư duy thay đổi và các cơ chế chính sách đi kèm cũng nhanh. Bên cạnh đó là sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt Chính phủ rất quyết liệt với cải cách hành chính và sử dụng công nghệ số trong điều hành.

“Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 càng ngày càng tăng nhanh; hay chuyển đổi hộ khẩu điện tử, định danh điện tử (VneID)… đều rất tốt, ứng dụng rất nhanh”, ông Tuấn nói và phân tích những điểm sáng của động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế số, đó là tăng trưởng kinh tế thực của Việt Nam trong những năm đại dịch Covid-19 rất thấp, chỉ khoảng 2-3%, tuy nhiên kinh tế “ảo”(số) tăng trưởng trên 30%.

Điều đó cho thấy, Công nghiệp 4.0 được xem như “cứu tinh” cho tăng trưởng của quốc gia. “GDP năm 2022 tăng trưởng 8,02%, trong đó có phần của kinh tế số cho dù chưa phải là đóng góp chủ yếu. Nếu nói con số thuần túy của Công nghiệp 4.0 hay chuyển đổi số trong kinh tế thì không có, nhưng việc ứng dụng trong các lĩnh vực, các ngành thì đều có”, ông Tuấn cho hay.

Mặc dù được xem là phương thức mới, có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.

Một là, vấn đề phát triển dữ liệu: một số cơ sở dữ liệu quốc gia cốt yếu chưa được hoàn thành; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hình thành nhưng chưa được kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả; các cơ sở dữ liệu đã xây dựng còn rời rạc, cát cứ, chưa được quy hoạch, tổ chức, dùng chung thống nhất trong cơ quan nhà nước.

Nhận thức về dữ liệu và năng lực tổ chức, khai thác dữ liệu còn hạn chế; lúng túng trong việc xác định mô hình tổ chức các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương; điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo để thu thập, kết nối, khai thác dữ liệu ổn định, thống nhất và đồng bộ. Chuyển đổi số là chuyển đổi các hoạt động của cơ quan nhà nước, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khai thác tiềm năng của dữ liệu, dữ liệu lớn. Tuy nhiên, tiềm năng của dữ liệu lớn hiện nay chưa được quan tâm xây dựng và khai thác sử dụng, chưa tận dụng được lợi thế trong việc phát triển các công nghệ mới dựa trên dữ liệu.

Hai là, khó khăn trong triển khai các nền tảng số. Cụ thể, việc triển khai các nền tảng số trong chuyển đổi số là cách tiếp cận mới, khác với việc triển khai các hệ thống thông tin trước đây nên nhiều bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai. Việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở trung ương chủ trì còn chậm, trong khi còn thiếu những quy định, hướng dẫn về kiến trúc, mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật của các nền tảng số quốc gia, nên việc triển khai sử dụng nền tảng số tại các địa phương chưa đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Ba là, nhân lực cho chuyển đổi số: đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu kiến thức, kỹ năng tham mưu tổ chức triển khai chuyển đổi số. Số lượng, chất lượng kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia còn chậm triển khai…

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, các động lực, phương thức tăng trưởng mới hiện nay dựa nhiều vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và đây là những yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù đổi mới sáng tạo đã manh nha và đã bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, các chỉ thị, chủ trương chính sách đã có nhưng chưa đủ, chưa tạo ra một làn sóng hay phong trào về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đi vào lĩnh vực công nghệ cao…

Viện trưởng Bùi Quang Tuấn cho rằng đổi mới sáng tạo sẽ giúp tăng trưởng nhanh nhưng phải đi kèm một loạt các điều kiện và phải đi cùng nhau. Cụ thể, Việt Nam đã có cơ chế, quỹ hỗ trợ nhưng lại không đủ mạnh; đồng thời, không có quy định cụ thể để có khung pháp lý rõ ràng, để người quản lý yên tâm…

(Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023)