Chuyển đổi số trong y tế hiện nay đang là xu hướng toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia, giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, và đồng bộ hóa thông tin y tế. Không nằm ngoài xu hướng này, chính phủ Việt Nam cũng đang hoàn thiện tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe người dân. 

chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong y tế

Thực tế cho thấy nhu cầu ứng dụng công nghệ trong quản lý và chuyên môn y tế là vô cùng cần thiết. Hơn nữa, Việt Nam là một nước có nhiều ưu thế để có thể áp dụng thành công các giải pháp y tế kỹ thuật số. Cyber Eye đi sâu phân tích thực trạng nền y tế Việt Nam, và các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị cho các nhà làm chính sách thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, để theo kịp với thời đại và đáp ứng nhu cầu đang ngày một lớn của người dân.

Thực trạng chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam

Phát triển chăm sóc sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Chi tiêu cho lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng từ 15,6 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP, vào năm 2018 lên 42,9 tỷ USD vào năm 2028. Con số này tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong 10 năm là 11%. Việt Nam là một trong những nước có chi tiêu cho sức khỏe cao nhất trong khu vực ASEAN. Hơn nữa, chi tiêu bình quân đầu người cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng gấp ba lần từ 161 USD/năm vào năm 2018 lên 408 USD/năm vào năm 2028.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều ưu thế để áp dụng các giải pháp y tế kỹ thuật số. Thứ nhất, hơn 60% người Việt Nam dưới 54 tuổi, nhóm dân số trẻ này đang nhanh chóng đón nhận các công nghệ thông tin mới. Trung bình, người dân Việt Nam dành bảy giờ mỗi ngày cho các hoạt động trực tuyến, trong đó ba giờ trên thiết bị di động. Thứ hai, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Kết quả đến năm 2017, việc truy cập internet được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, với tỷ lệ sử dụng là 67%, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 28% (Hootsuite, 2018). Công nghệ thông tin di động cũng đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, mạng 4G hiện đã phủ sóng trên 95% hộ gia đình. Thứ ba, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam đang hướng tới các dịch vụ cloud-based, tạo cơ hội phát triển các giải pháp sáng tạo và hiệu quả về chi phí để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tất cả những yếu tố này tạo nền tảng tốt cho tiến trình chuyển đổi số các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Những thách thức ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam

Việc thiếu niềm tin vào y tế số cũng là một trở ngại lớn cản trở sự phát triển. Bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, vẫn nghi ngờ về tính chính thống của thông tin được cung cấp trên các nền tảng y tế. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin và quyền sở hữu thông tin y tế cũng trở thành mối bận tâm của người bệnh. Do dữ liệu sức khoẻ thường rất nhạy cảm và là thông tin cá nhân, nên bệnh nhân sẽ quan tâm nhiều đến việc dữ liệu của họ được thu thập, xử lý và phân tích như thế nào bởi nhà cung cấp dịch vụ và/hoặc bên thứ ba.

Quá trình số hóa tại các bệnh viện Việt Nam hiện nay còn rời rạc, nhỏ lẻ và chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện công tuyến trung ương và bệnh viện tư nhân ở các đô thị loại I. Những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ sở có khả năng tài chính và kỹ thuật hạn chế, do đó, mức độ sẵn sàng và chấp nhận ứng dụng y tế số (e-health) thấp hơn. Các khoa chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm huyết học, ung bướu và phẫu thuật là những đơn vị đầu tiên áp dụng các giải pháp kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc kết nối và tích hợp hệ thống kỹ thuật số giữa các bộ phận còn hạn chế. Các bác sĩ và y tá đôi khi không thể truy cập thông tin bệnh nhân được lưu trữ trong hệ thống của các khoa khác.

chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế như thế nào?

Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.

Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.

Tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

Tóm lại, chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà còn là một công cuộc cải cách toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. Chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, và đến nay đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Mặc dù tiến trình phát triển còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các hạn chế về mặt tài chính, nhưng thông qua quá trình học hỏi và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác, Việt Nam có thể vươn lên dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.