Theo Chinhphu.vn – Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Hội nghị được kết nội tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã; xã, phường trong toàn quốc; với tổng số hơn 10.000 điểm cầu từ cấp xã đến Trung ương và hơn 130.700 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thông tin.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Đề án 06 là Đề án cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện Đề án 06 để tổ chức các dịch vụ công phục vụ nhân dân thông qua môi trường số. Qua đó, chuyển từ thói quen thực hiện các dịch vụ công dùng giấy tờ, tới trụ sở cơ quan nhà nước, sang trạng thái giao dịch trên môi trường số, giải quyết các dịch vụ, thủ tục bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Cũng qua đó, góp phần cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Triển khai Đề án 06, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 16 cuộc họp chỉ đạo các nội dung của đề án; ban hành 1 chỉ thị, 1 công điện, 7 thông báo; 4 nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung chỉ đạo về Đề án. Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo hội nghị về kết quản thực hiện chuyển đổi số trước Thủ tướng tại Hội nghị – Ảnh: VGP.

Tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh). Công tác cấp căn cước công dân gắp chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp hơn 67 triệu thẻ cho công dân. Việc triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh…

Trong thời gian còn lại của năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ triển khai đề án, trọng tâm là hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (hoàn thành trong tháng 8/2022); Ban hành Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hoàn thành trong tháng 8/2022). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với 21/25 dịch vụ công thiết yếu đã hoàn thành, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tạo lập tài khoản và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đơn giản hóa các giấy tờ, tài liệu để triển khai thực hiện dịch vụ công cư trú. Tập trung hoàn thành việc thực hiện trên môi trường điện tử đối với 4/25 dịch vụ công còn lại, gồm 2 thủ tục liên thông (liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí); thủ tục đổi, cấp lại Giấy phép lái xe; thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận.

Tiếp tục triển khai nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trọng tâm là: Đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM; triển khai cấp tài khoản an sinh xã hội cho người dân; tích hợp các giấy tờ liên quan trên thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; thực hiện cấp định danh điện tử kết hợp cấp tài khoản ngân hàng điện tử, ví điện tử… Đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ phát triển công dân số, trọng tâm là trong quý III/2022 sẽ nghiên cứu, tích hợp chữ ký số thông qua thẻ căn cước công dân; hoàn thành phương án quản lý người nước ngoài trên ứng dụng VneID…

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thuận lợi, công khai, minh bạch

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kể từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP. 
Các đại biểu dự hội nghị hội nghị về chuyển đổi số do Thủ tướng chủ trì

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án 06. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân. “Phát triển CSDL quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính “thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh an toàn cho người dân” – Thủ tướng nhắc nhở.

Về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, cơ sở dữ liệu nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân… Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản… Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực và khai thác nguồn lực từ dữ liệu; tăng cường hợp tác quốc tế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng.

Theo đó, cần tập trung chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định từ nay đến hết năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến; trước hết, quán triệt và vận động đến từng đảng viên, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang tại địa phương thực hiện và vận động người thân, gia đình hưởng ứng thực hiện.

“Đây là Đề án của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, do Bộ Công an chủ trì làm nòng cốt, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, địa phương để triển khai, tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh