Một vài năm trước, cụm từ “chuyển đổi số” vẫn được nhắc đến như một khoản đầu tư thận trọng, viễn cảnh trong tương lai xa. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ và những mô hình kinh doanh mới đã khiến chuyển đổi số trở thành một yêu cầu mang tính chiến lược, tất yếu đối với sự sống còn của mỗi quốc gia hay doanh nghiệp…

Vừa qua, hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Định hình nền kinh tế số tương lai”  được diễn ra với sự tham gia của những “bộ não” hàng đầu thế giới về chuyển đổi số đến từ Trường Kinh doanh Columbia  là David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo.

 CÙNG ĐI TÌM LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại Việt Nam, tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Hàng loạt các giải pháp chính sách cũng như nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu đã tạo nên một Việt Nam đổi mới, số hóa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực ngân hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua). Đến nay có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán lớn với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng hoặc những kết quả tăng trưởng bền vững đã đặt ra.

Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại hội thảo.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại hội thảo.

 NĂM RÀO CẢN KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Giáo sư David Rogers – Trường Kinh doanh Columbia cho biết, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi một doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số đang không ngừng thay đổi. Lấy ví dụ về các doanh nghiệp điển hình như Grab, Toyota, Starlink, Viettel, Momo… Giáo sư David Rogers khẳng định việc này không phải là về công nghệ mà là sự thay đổi chiến lược, tư duy và cách suy nghĩ mới. Tuy nhiên, đa số các công ty đều gặp thất bại trong quá trình tiến bộ này.

Chuyên gia chỉ ra 5 rào cản này khiến 70% doanh nghiệp thất bại khi thực hiện là: không có tầm nhìn chung, không kỷ luật trong xác định ưu tiên, không có thói quen thử nghiệm, không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.

Ở 30% còn lại, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số đều có điểm chung là xác định được tầm nhìn chung trong việc lựa chọn vấn đề quan trọng nhất trong việc kinh doanh. Những công ty này dám thử nghiệm cái mới, có tăng trưởng trên quy mô lớn, tập trung phát triển công nghệ, nhân tài và văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quá trình không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, mà phải được áp dụng liên tục, từ việc kinh doanh cho đến chính nhân sự trong doanh nghiệp, từ lãnh đạo đến nhân viên.

Có thể nói, chuyển đổi số yêu cầu tổ chức phải luôn sẵn sàng để đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ… Những khó khăn về tài lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng và chiến lược số hóa bài bản… đều là những vấn đề làm tăng nguy cơ thất bại khi triển khai thực tế.

“Với doanh nghiệp nói chung, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số là xử lý, hỗ trợ các vấn đề cho xã hội. Đây là chiến lược thay đổi về tư duy để áp dụng cái mới. Tất cả các doanh nghiệp ngày nay cần xác định tư duy mới trong quan hệ với khách hàng và đối tác để phát huy thế mạnh. Dữ liệu là tài sản cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp nào. Vấn đề là cần tạo ra nền tảng tiếp cận được với người tiêu dùng – đó cũng là bước chuyển đổi tư duy”, GS Rogers đúc kết.

Theo Báo Vneconomy