Bộ Thông tin và Truyền thông lấy năm 2023 là Năm Dữ liệu số nhằm tạo ra sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.

dữ liệu số

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh dữ liệu dữ liệu đóng vai trò quan trọng nhất trong chuyển đổi số, nhưng các bộ ngành, địa phương lại chưa thực sự quan tâm đến dữ liệu.

“Các nguồn dữ liệu hiện nay của Việt Nam còn rời rạc, cục bộ, chưa có sự thống nhất. Mỗi lần làm gì lại phải đi tìm dữ liệu. Rất khổ”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thủ tướng, là do các các bộ, ngành, địa phương chưa nghĩ đến lợi ích chung, chưa chủ động chia sẻ, cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu.

Vì vậy, trước việc Bộ Thông tin và Truyền thông lấy năm 2023 là năm dữ liệu số, Thủ tướng nhắc nhở Bộ “phải làm bằng được”, còn các bộ ngành khác phối hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo các tiêu chí: đúng, đủ, sạch, sống, tức phải cập nhật và làm sạch liên tục.

“Dữ liệu là tài sản, tài nguyên đặc biệt cần được lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của người dân”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm nay, đã có 500 triệu tài khoản trên các nền tảng số Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài. Doanh thu từ nước ngoài về viễn thông của Viettel đạt 3 tỷ USD, FPT đạt 1 tỷ USD về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ của năm 2023 mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện, gồm: đo lường kiểm soát chất lượng dịch vụ của ngành bưu chính, giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G, tăng ít nhất 50% số tài khoản trên các nền tảng số Việt Nam yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Dữ liệu là loại tài nguyên mới, với các giá trị như không tiêu hao, càng dùng càng nhiều lên, càng dùng càng tạo ra giá trị hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp Năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng nói.

Dữ liệu quốc gia được hoàn thiện sẽ giảm đáng kể thời gian và thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: T.L.
Dữ liệu quốc gia được hoàn thiện sẽ giảm đáng kể thời gian và thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: T.L.

Trước yêu cầu về việc hoàn thiện dữ liệu quốc gia, Thủ tướng cũng đề nghị hoàn thiện dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2023 nhằm giảm thời gian và thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đưa hạ tầng viễn thông đến mọi người dân và phải có các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phát triển nền tảng số trong nước để phục vụ người dân doanh nghiệp, tăng tỷ lệ người dân cài đặt sử dụng các sản phẩm Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia cũng cho biết sang năm 2023 sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về dữ liệu số để có thể tạo ra các doanh nghiệp kỳ lân nhờ dữ liệu số, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Việt Nam cũng sẽ hoàn thiện kiến trúc hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu ở cấp độ quốc gia (NDXP – National Data Exchange Platform) và cấp độ bộ, ngành, địa phương (LGSP – Local Government Service Platform) để cung cấp dịch vụ số, dữ liệu số cho người dân tốt hơn trên không gian số.

Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực như kĩ sư dữ liệu, phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu sẽ được đẩy mạnh tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để có nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho nền kinh tế số.

Nguồn: doanhnhanvietnam.vn